Nhìn lại 2024 với top 7 niềm tự hào về du lịch Việt Nam

Du lịch Việt Nam ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong suốt một năm qua. Cùng Vietsky Travel  nhìn lại 2024 với top 7 niềm tự hào đầy ấn tượng.

1. Danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”

Nhìn lại 2024, giải thưởng thế giới World Travel Awards đã công bố Việt Nam là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2024. Tiếp nối thành tựu vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023, đây là lần thứ 5 Việt Nam được vinh danh ở hạng mục này. Điều này một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút trên bản đồ du lịch thế giới. Đất nước sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều nét văn hóa đặc sắc. Mang đậm dấu ấn trong dòng chảy ngàn đời của dân tộc. Tự hào với 9 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh.

2. Danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024”

Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, đảo ngọc Phú Quốc lần thứ 3 được vinh danh là “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024” tại Lễ trao Giải World Travel Awards lần thứ 31. Đây cũng là cơ hội để đảo ngọc của Việt Nam khẳng định vị thế. Nơi đây sở hữu thiên nhiên nguyên sơ tuyệt vời với bờ cát trắng dài, nước biển xanh trong. Kết hợp với những trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn. Và những điểm đến lịch sử văn hóa nổi bật cùng dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.

3. Danh hiệu “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới 2024”

Tiếp nối với những danh hiệu đạt được trong World Travel Awards, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vinh dự đạt được danh hiệu “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới 2024”. Huyện cực Bắc của Vĩnh Phúc đã từng đạt được danh hiệu vào năm 2022. Và đây là lần thứ 2 tiếp tục được công nhận. Nổi bật với khí hậu mát mẻ quanh năm, Tam Đảo đem lại những trải nghiệm mỹ mãn với núi non và rừng xanh bạt ngàn. Nhìn lại 2024, danh hiệu này sẽ tiếp thêm động lực cho địa phương duy trì và phát triển bền vững các thế mạnh về du lịch.

4. Giành nhiều giải thưởng Du lịch ASEAN 2024

Giải thưởng Du lịch ASEAN là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao. Góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các điểm đến trong khu vực. Tại lễ trao giải năm 2024, Việt Nam tự hào có 25 đơn vị đoạt giải ở 6 hạng mục. Bao gồm: Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN; Giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN; Giải thưởng MICE ASEAN cho Phòng họp; Giải thưởng MICE ASEAN cho Địa điểm triển lãm; Giải thưởng MICE ASEAN cho Địa điểm tổ chức sự kiện và Giải thưởng Du lịch bền vững ASEAN, chủ đề Du lịch ẩm thực.

5. Đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc

Một trong sự kiện tiêu biểu khi nhìn lại 2024 của Du lịch Việt Nam là Đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc. Hội nghị được diễn ra vào tháng 12/2024 tại Quảng Nam, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới. Việc tổ chức đăng cai này đã mở ra cơ hội quý giá để Việt Nam thể hiện sư chủ động và uy tín trong các tổ chức du lịch quốc tế. Đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh về một nền du lịch nông thôn đậm đà bản sắc dân tộc.

6. Công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quyết định xếp hạng 9 di tích trở thành Di tích quốc gia đặc biệt. Chia thành 2 đợt vào ngày 18/7/2024 và ngày 26/11/2024, bao gồm:

Đợt 1 (ngày 18/7/2024):

(1) Di tích khảo cổ Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành (Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)

(2) Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)

(3) Di tích lịch sử Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định (Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang)

Đợt 2 (ngày 26/11/2024):

(4) Di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang)

(5) Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đinh Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh)

(6) Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Đa Hòa – Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)

(7) Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)

(8) Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (thành phố Hải Phòng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Cà Mau)

(9) Di tích lịch sử Trận địa pháo 105mm của Đại đội 805 (thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)

7. Khắc phục sau đại dịch và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhìn lại 2024, đây là một năm đánh dấu ngành du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Với các con số nổi bật, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%). Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%) (theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch).

Những dấu mốc quan trọng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước của du lịch Việt Nam. Đồng thời sẽ là tiền đề cho tương lai phát triển vững bền hơn vào các năm tiếp theo.

Thêm bình luận

Your email address will not be published.