Cẩm nang du lịch Hà Nam từ A đến Z
Với diện tích nhỏ gọn nhưng giàu tiềm năng, Hà Nam là vùng đất mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. VietskyTravel giới thiệu cẩm nang du lịch Hà Nam đầy hữu ích.
Tổng quan
Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm ở khu vực phía Nam của thủ đô Hà Nội. Hà Nam có vị trí thuận lợi khi nằm ở giao điểm của các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc – Nam. Du lịch Hà Nam có thế mạnh về tâm linh, văn hóa và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng.
Thời điểm du lịch lý tưởng
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Hà Nam là vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu, và tràn đầy sức sống. Đây cũng là lúc diễn ra nhiều lễ hội như Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn và Lễ hội Đền Trần Thương. Ngoài ra, cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ trong tiết xuân khiến các điểm đến nổi tiếng như chùa Tam Chúc hay Ngũ Động Sơn càng thêm phần hấp dẫn.
Hà Nam nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, rất thuận tiện cho việc di chuyển:
-
Bằng xe khách:
- Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách tại bến xe Giáp Bát hoặc bến xe Nước Ngầm, với các tuyến xe đi Phủ Lý hoặc các huyện trong tỉnh Hà Nam.
- Thời gian di chuyển: Khoảng 1,5 – 2 giờ.
- Giá vé: Từ 50.000 – 80.000 đồng/người.
-
Bằng tàu hỏa:
- Ga Hà Nội có các chuyến tàu đi Phủ Lý, ga chính của Hà Nam. Đây là phương tiện an toàn, thoải mái, phù hợp nếu bạn muốn ngắm cảnh dọc đường.
- Thời gian di chuyển: Khoảng 1,5 giờ.
- Giá vé: Từ 50.000 – 120.000 đồng/người tùy loại ghế.
-
Bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân:
- Từ Hà Nội, đi theo đường Giải Phóng, nhập vào Quốc lộ 1A hoặc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, sau đó theo biển chỉ dẫn đến Phủ Lý, Hà Nam.
- Thời gian di chuyển: Khoảng 1 – 1,5 giờ.
- Lộ trình phù hợp cho những ai thích tự do khám phá và chủ động về thời gian.
-
Bằng xe buýt:
- Từ Hà Nội, có các tuyến xe buýt chạy thẳng đến Phủ Lý (tuyến 206, 214). Đây là lựa chọn tiết kiệm nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện khác.
- Thời gian di chuyển: Khoảng 2 – 2,5 giờ.
Các điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nam
Chùa Tam Chúc
Chùa Tam Chúc là một trong những quần thể chùa lớn nhất Việt Nam. Chùa nằm trong không gian thiên nhiên kỳ vĩ, bao quanh bởi núi non, hồ nước và rừng cây. Quần thể chùa Tam Chúc nổi bật với các công trình kiến trúc đồ sộ như Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, và cột kinh khổng lồ. Quần thể Tam Chúc là một phần quan trọng trong con đường hành hương Tam Chúc – Bái Đính – Hương Sơn. Chùa cũng thường tổ chức các lễ hội lớn như lễ hội Vesak Liên Hợp Quốc, thu hút hàng ngàn tín đồ và du khách.
Địa chỉ: thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Nhà Bá Kiến
Du lịch Hà Nam đừng bỏ qua di tích nhà Bá Kiến. Nhà Bá Kiến là di tích nổi tiếng gắn liền với tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Đây là ngôi nhà từng thuộc về một gia đình địa chủ giàu có, được Nam Cao lấy làm hình mẫu để xây dựng nhân vật Bá Kiến. Đó là nhân vật điển hình phản ánh sâu sắc xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống với mái ngói, cột gỗ, và sân gạch đặc trưng của vùng Bắc Bộ.
Địa chỉ: làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh nằm yên bình bên bờ sông Đáy với không gian thanh tịnh và tách biệt. Với lịch sử hàng trăm năm, chùa Bà Đanh mang giá trị kiến trúc độc đáo với hệ thống cột gỗ, mái ngói và các pho tượng Phật cổ. Đặc biệt, câu nói dân gian “vắng như chùa Bà Đanh” là câu nói nổi tiếng gắn liền với ngôi chùa. Có nhiều lý giải cho câu nói này càng khiến ngôi chùa trở nên hấp dẫn để tham quan.
Địa chỉ: thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam
Đền Trần Thương
Đền Trần Thương thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh đó là các tướng lĩnh có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Dù đã nhiều thế kỉ nhưng đền vẫn giữ được nét đẹp từ thuở sơ khai. Ngôi đền được xây dựng trên vùng đất từng là kho lương thực của quân đội nhà Trần. Đền có kiến trúc độc đáo, trang nghiêm với nhiều pho tượng và các công trình mang đậm dấu ấn lịch sử. Lễ hội đền Trần Thương diễn ra hàng năm vào rằm tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách và tín đồ từ khắp nơi về chiêm bái.
Địa chỉ: thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Làng Vũ Đại
Làng Vũ Đại là vùng đất nổi tiếng trong tác phẩm “Chí Phèo”. Đây là nơi tái hiện sinh động xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Làng Vũ Đại ngày nay không chỉ là điểm đến văn hóa, mà còn nổi tiếng với món cá kho trứ danh. Công thức cá kho đặc biệt, vị cá đậm đà được tẩm ướp với gừng, riềng, nước cốt chanh, nước cốt cua đồng, ớt, hành khô…
Địa chỉ: làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Chùa Bầu
Chùa Bầu có tuổi đời hơn nghìn năm nằm trong quần thể làng Bầu và chợ Bầu ngày nay. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhiều thế hệ xưa và nay. Chùa Bầu nằm trên thế đất cao, được dẫn lối bởi các bậc dốc. Trước khi được tu sửa, chùa chỉ là ngôi nhà ba gian nhỏ. Từ năm 2005 đến 2008, chùa được tu sửa khang trang.
Địa chỉ: đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Chùa Long Đọi Sơn
Chùa Long Đọi Sơn là một ngôi chùa cổ kính và linh thiêng với lịch sử gần 1.000 năm. Được xây dựng từ thời Lý, chùa nổi bật với các bệ đá hoa sen, tháp Sùng Thiện Diên Linh và những di vật quý báu. Từ đỉnh núi Đọi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh vùng đồng bằng Bắc Bộ xanh tươi và yên bình. Hàng năm, chùa Long Đọi Sơn thu hút đông đảo Phật tử và du khách đến hành hương, đặc biệt trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn.
Địa chỉ: xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam
Đền Lảnh Giang
Đền Lảnh Giang thờ vị thần Trấn An Tây Nam Tam Kỳ Linh ứng Đại vương (Quan lớn Đệ Tam). Đền còn thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, Tam tòa Thánh mẫu, Tứ phủ công đồng. Đền rộng đến 3.000 m2, tuy không có núi đồi nhưng bạt ngàn màu xanh của cây trái. Trong đền có nhiều đồ thờ giá trị như tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình… Ngoài ra đền còn giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án. Lễ hội đền Lảnh Giang diễn ra từ ngày 18 đến 25/6 và tháng 8 hàng năm hút khách du lịch Hà Nam.
Địa chỉ: thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, Hà Nam
Địa Tạng Phi Lai Tự
Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự cổ kính và thanh tịnh, được bao quanh bởi núi rừng hoang sơ. Chùa được biết đến với vẻ đẹp giản dị nhưng uy nghiêm, nổi bật với các hạng mục như tam quan, bái đường và khu vườn thiền. Tên gọi “Địa Tạng Phi Lai” mang ý nghĩa liên quan đến hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Bồ Tát Địa Tạng.
Địa chỉ: thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Vương cung thánh đường Sở Kiện
Vương cung thánh đường Sở Kiện được xây dựng vào năm 1877 và hoàn thành vào năm 1882. Nhà thờ này mang phong cách kiến trúc Gothic độc đáo, với những mái vòm cao vút, các ô cửa kính màu tinh xảo. Đây không chỉ là nơi hành lễ quan trọng mà còn là điểm đến thu hút du khách thập phương. Vào năm 2010, nhà thờ Sở Kiện được nâng cấp thành Vương cung thánh đường, khẳng định vị thế và giá trị tôn giáo to lớn của công trình này.
Địa chỉ: thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Làng trống Đọi Tam
Làng nghề làm trống Đọi Tam nằm dưới chân núi Đọi. Đây cũng là nơi sản xuất hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và giàn trống hội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trống của làng Đọi Tam là sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng như: trống thờ, trống trong nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin… Vì vậy, trống là sản phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Địa chỉ: xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Chùa Ninh Tảo
Với tổng diện tích khoảng 10.000m2, chùa Ninh Tảo được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại mà vẫn uy nghiêm, thanh tịnh. Chùa gồm các hạng mục chính như: tam bảo, nhà tổ, nhà giảng pháp, lầu chuông, lầu trống, hồ Quan Âm, hồ hoa súng, non bộ… Ngoài ra còn có bức tượng Phật niết bàn được đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên. Tham quan chùa Ninh Tảo, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh uy nghiêm nhưng rất đỗi thanh tịnh. Những năm trở lại đây, chùa đã trở thành nơi thuyết giảng, hành hương, chiêm bái của đông đảo du khách.
Địa chỉ: thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn
Đền Trúc nằm hướng ra con sông Đáy hiền hòa. Sở dĩ có tên này vì xưa kia xung quanh đền là khu rừng trúc rậm rạp rộng tới hàng chục mẫu. Ngày nay, rừng trúc không còn nữa nhưng bao quanh đền vẫn còn một lớp trúc khá dày. Cổng đền gồm 4 cột đồng trụ, hai cột chính ở giữa, hai cột nhỏ ở hai bên. Đền Trúc thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Nổi bật trong quần thể là Ngũ Động Thi Sơn là một hệ thống năm hang động kỳ vĩ, nối liền nhau trong lòng núi. Bên trong có những thạch nhũ tự nhiên mang hình thù độc đáo và lung linh huyền ảo.
Địa chỉ: thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Ẩm thực Hà Nam
Cá kho làng Vũ Đại
Cá kho làng Vũ Đại sử dụng cá trắm đen, tươi sống, dùng niêu đất Bát Tràng và củi nhãn để đun nấu. Nấu hoàn toàn bằng cách thủ công mới giữ được trọn vẹn hương vị thơm ngon. Cá trắm tươi được ướp muối rồi thêm gừng, riềng xay, nước mắm, tương… và nước cốt chanh để loại bỏ mùi tanh của cá. Niêu cá được đun trên bếp than trong 10 đến 12 tiếng. Trong thời gian đó, củi lửa phải được trông coi để niêu cá sôi liu riu và chêm nước khi nước gần cạn. Đây là món ăn đặc sắc mà bất cứ khách du lịch Hà Nam nào cũng nên thử.
Bánh cuốn Phủ Lý
Bánh cuốn Phủ Lý được làm bằng gạo tẻ, loại gạo tám xoan ngon nhất. Gạo sẽ được ngâm trong nước từ 3 đến 4 tiếng sau đó xay thành bột. Bánh cuốn Phủ Lý dày, trắng như lòng trắng trứng gà sau khi được hấp lên. Bánh thêm hành khô, vài giọt mỡ để béo ngậy. Bánh cuốn ở đây không ăn với chả quế, chả lụa mà ăn với chả thịt nướng. Loại thịt làm chả là thịt ba chỉ, thái mỏng, đem ướp với các loại gia vị rồi nướng trên than hoa. Khi ăn bánh cuốn, thực khách ăn cùng nước mắm chua ngọt, có thêm dưa góp từ su hào, cà rốt.
Mắm cáy Bình Lục
Làm mắm cáy cần sự tập trung và tỉ mỉ. Cáy sau khi bắt về đem lột yếm, bóc trắng và giã nhuyễn. Trong quá trình nêm giã, người làm sẽ nêm muối tinh, giềng hoặc gừng đập dập. Người làm mắm phải có đủ kinh nghiệm để biết lượng muối, lượng gừng phù hợp. Mắm cáy Bình Lục có màu cánh gián rất đẹp, có vị thơm bùi của giềng, vị mặn mòi, rất phù hợp để làm nước chấm.
Chuối ngự Đại Hoàng
Chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự trắng quả to, khi chín vỏ có màu vàng tươi, sáng bóng, quả tròn lẳn, vàng thơm. Chuối ngự trâu quả to, vỏ khi chín có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng nhạt. Chuối ngự mít quả nhỏ, khi chín vỏ mỏng vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng và thơm ngát. Chuối ngự có chứa nhiều kali, axit amin, 11 loại khoáng chất và 6 vitamin. Chuối có thể để hàng tuần vẫn ngọt và thơm ngon, trưng bày trên bàn thờ gia tiên thì đẹp mắt và trang trọng. Bởi thế cứ vào cuối năm, chuối lại được săn lùng mua bán tấp nập. Khách du lịch Hà Nam rất thích loại chuối này.
Bánh đa Kiện Khê
Bánh đa Kiện Khêđược yêu thích bởi bánh thơm, giòn, béo ngậy và đậm đà. Có được điều đó là do thợ làm bánh cẩn thận trong từng khâu chế biến, đặc biệt là việc chọn gạo và một số nguyên liệu khác như vừng, lạc, dừa…
Bún Tái Kênh
Gạo làm bún Tái Kênh phải là gạo Khang Dân, gạo Ải. Gạo khi vo kỹ được ngâm cho nở, vo sạch, để ráo nước rồi xay nhuyễn. Tiếp theo là nặn bột thành quả tròn, đem luộc trong nước sôi khoảng 5 phút cho chín lớp vỏ bột bên ngoài rồi. Sau đó cho vào cối giã nhuyễn rồi thêm nước vào nhào bột. Bột được nhào rồi đưa qua màn lọc sạn để lọc bụi và các cặn lẫn vào bột, để khi làm sợi bún không bị sạn.
Vọc Long Tửu
Người nấu rượu ở làng Vọc luôn trung thành với một công thức chưng cất rượu lâu đời. Đó là nấu bằng loại gạo đặc sản ngon đem ủ với men ta gồm 36 vị thuốc bắc. Từ lúc úp men phải đợi từ 2 đến 3 ngày chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu cũng chỉ nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men. Sau đó cho vào vò sành ủ suốt 48 tiếng, khi thấy có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì mới đem nấu rượu.