Lễ Baci ở Lào – Truyền thống kết nối mang ý nghĩa an lành

Nếu có dịp vi vu đến đất nước triệu voi thì Lễ Baci là nét văn hóa đặc sắc mang nhiều phước lành mà bạn nên trải nghiệm

Nghi thức truyền thống – Sự kết nối sâu sắc

Lễ Baci ở Lào (hay còn gọi là Sukhwan) được bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của người Lào. Và gắn với thuyết vật linh (các vật thể đều có linh hồn). Theo quan niệm dân gian, mỗi con người có 32 phần hồn (gọi là khwan) cùng tồn tại trong cơ thể con người và điều khiển các bộ phận khác nhau.

Và với người dân nơi đây thì số lượng linh hồn khác nhau tùy thuộc vào các nhóm dân tộc khác nhau và con số này có thể lên đến 32. Lễ này được tổ chức để triệu hồi và tái hòa hợp các “khwan”. Mang lại sự cân bằng và bình an cho con người. Bên cạnh đó, nghi lễ này còn là dịp để mọi người trao nhau nhiều lời chúc tốt đẹp. Gắn kết tinh thần và thể hiện sự đoàn kết xã hội.

Lễ Baci được tổ chức trong những sự kiện trọng đại như cưới xin, sinh con, ma chay, năm mới. Đây cũng là nghi thức được dùng để chào đón khách quý. Do vậy khi đến một số khách sạn ở Lào, đặc biệt là Luang Prabang, bạn sẽ được đón tiếp bằng nghi thức truyền thống này. Ngoài ra, Lễ Baci cũng thường được lồng ghép trong các lễ hội lớn của người Lào. Hoặc tổ chức để cầu mong may mắn cho một hành trình quan trọng hay hóa giải sự xui xẻo, ốm đau.

Mang đến nhiều phước lành – Khám phá các nghi thức độc đáo

Lễ Baci ở Lào thường diễn ra trong nhà gia chủ cần chúc phúc. Và do một già làng hay các cao niên có uy tín trong khu vực làm chủ trì. Ở giữa phòng, các thành viên trong gia đình đặt một bông hoa làm bằng lá chuối và cúc vạn thọ, trên đó gắn những sợi dây bông trắng. Bàn lễ thường là hình tròn và bày các loại bánh trái đặc trưng của Lào. Khi buổi lễ bắt đầu, người chủ lễ sẽ đọc các lời cầu nguyện, mời gọi các “khwan” trở về cơ thể.

Sau đó, những người tham gia thay phiên nhau cầu chúc cho người thân khỏe mạnh và buộc các sợi dây bông quanh cổ tay của nhau. Sợi chỉ này thường được giữ trên tay ít nhất 3 ngày và không nên cắt bỏ. Đây được xem là biểu trưng cho việc giữ gìn linh hồn và mang lại may mắn. Kết thúc nghi lễ, mọi người cùng tham gia bữa tiệc với các món ăn truyền thống, rượu gạo và thưởng thức âm nhạc, điệu múa Lào.

Đây không chỉ là một nghi thức tôn giáo mà còn thể hiện nét văn hóa sâu sắc của người dân xứ sở triệu voi. Khi tham gia, bạn cần lưu ý nên mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục lịch sự để thể hiện sự tôn trọng. Và cần giữ thái độ trang nghiêm trong suốt buổi lễ, đặc biệt khi người chủ lễ đang cầu nguyện.

Thêm bình luận

Your email address will not be published.